23/05/2024
Chiều ngày 23/05/2024, Trường Đại học Hà Nội (HANU) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tổng quan về Năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”. Tham dự chương trình có Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương và các cán bộ, giảng viên, đông đảo các bạn sinh viên Trường Đại học Hà Nội. Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham dự với vai trò là diễn giả tại chương trình có Quyền Tổng Cục trưởng Hà Minh Hiệp và Phó Chánh Văn phòng Phạm Lê Cường.
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại chương trình, Phó Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của năng suất chất lượng và chia sẻ về những nỗ lực đảm bảo chất lượng mà Nhà trường đã thực hiện từ năm 2017, bao gồm việc thực hiện quy trình ISO 9001 2015 quản lý chất lượng. Kết quả tiêu biểu có thể thấy qua việc triển khai phần mềm một cửa trên HANU CONNECTIONS mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho người học; Đề án vị trí việc làm được xây dựng và mô tả chi tiết hơn… Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã thực hiện tốt hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương khuyến khích các bạn sinh viên chủ động, tích cực đặt nhiều câu hỏi để giao lưu cùng diễn giả và mong rằng, qua chương trình, sinh viên có thể chú tâm lắng nghe và tiếp thu những thông tin để tự trang bị kiến thức, kỹ năng nâng cao năng suất trong tương lai.
Tại chương trình, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giới thiệu với khách mời tham dự những nội dung “Tổng quan về Năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy năng suất – yếu tố quyết định đến năng suất chất lượng và việc phải chú ý trau dồi thực hiện thường xuyên, liên tục. TS. Hà Minh Hiệp cũng giới thiệu về bốn động cơ thúc đẩy năng suất: Engagement (Tập hợp), Enlightenment (Khai sáng), Engineering (Kiến tạo), và Evolution (Tiến hóa). Đặc biệt, ông còn chia sẻ về mô hình 5S viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng). Đây là phương pháp quản lý (sản xuất) theo phương pháp Nhật Bản nhằm tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, từ đó nâng cao năng suất và lợi nhuận cho mọi doanh nghiệp, tổ chức.
Trong phần tiếp theo của chương trình, ThS. Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giới thiệu chương trình hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ Năng suất chất lượng trong Trường đại học Hà Nội và cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Năng suất, chất lượng.
Kết thúc chương trình, là phần giao lưu sôi nổi, hỏi đáp giữa sinh viên và diễn giả. Hàng loạt câu hỏi, ý kiến được đưa ra xoanh quanh các phương thức làm việc hiệu quả.
Tọa đàm “Tổng quan về Năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức, định hướng cho sinh viên về phương pháp làm việc hiệu quả, năng suất. Những thông tin bổ ích và thiết thực được diễn giả cung cấp tại chương trình đã phần nào giúp các bạn sinh viên hiểu và áp dụng bước đầu việc năng suất chất lượng trong học tập và hướng tới công việc tương lai sau này.
Nguồn: hanu.vn