08/12/2023
Ngày 08/12, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động Năng suất và Đổi mới sáng tạo, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức buổi đào tạo thông qua hình thức trực tuyến với chủ đề: “Tổng quan về chỉ số đo lường hiệu suất KPI” (chuyên đề 9).
Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.000 giảng viên, sinh viên 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy lợi; Học viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KH&CN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Khánh Hòa.
Tại buổi đào tạo, ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng Phát triển dịch vụ Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ về tổng quan về chỉ số đo lường hiệu suất KPI.
Theo đó, khái niệm “Những yếu tố thành công” đầu tiên được phát triển bởi D. Ronald Daniel của công ty McKensey và các cộng sự ở thập niên 60. Tuy nhiên, ý tưởng được biết đến nhiều nhất được phổ biến bởi Jack F. Rockart của trường quản trị Sloan vào cuối thập niên 80s. CSF – Critical Success Factor (Yếu tố thành công then chốt). KPI – Key Performance Indicator (Chỉ số hiệu quả trọng yếu) được sử dụng trong xây dựng mục tiêu, đo lường, phân tích khả năng đạt được mục tiêu của tổ chức.
Đặc điểm của KPI bao gồm các chỉ số đánh giá phi tài chính, được đánh giá thường xuyên; Chịu sự tác động bởi giám đốc điều hành và đội ngũ quản trị cấp cao; Đòi hỏi nhân viên phải hiểu chỉ số và thực hiện hành động khắc phục kịp thời; Gắn trách nhiệm cho từng cá nhân hoặc từng nhóm; Có tác động đáng kể (ảnh hưởng đến hầu hết các yếu tố thành công trọng yếu CSF và nhiều hơn 1 khía cạnh của BSC) (nghĩa là, khi giám đốc điều hành, ban quản trị và nhân viên tập trung vào KPI, cả tổ chức sẽ đạt được mục tiêu đề ra trên mọi phương diện); Có tác động tích cực (ví dụ: ảnh hưởng đến tất cả các chỉ số đo lường hiệu quả khác theo hướng tích cực).
Nền tảng cơ bản cho áp dụng KPI: Liên kết các KPI với chiến lược của tổ chức; Mối quan hệ với nhân viên, các phòng ban, các nhà cung cấp và khách hàng; Trao quyền cho đội ngũ nhân viên “tuyến đầu”; Kết hợp đo lường, báo cáo và cải tiến hiệu quả.
Theo ông Hải, lợi ích khi áp dụng KPI chính là KPI thiết lập và đạt được các mục tiêu chiến lược thông qua xây dựng các mục tiêu cụ thể ở các cấp độ, nhóm làm việc, cá nhân; bên cạnh đó, giúp theo dõi đánh giá hiệu quả các nhóm, so sánh giữa các nhóm hoặc các đối thủ cạnh tranh khác; đồng thời, sử dụng các KPI để thiết lập các báo cáo kịp thời hàng ngày, hàng tuần, súc tích, đầy đủ thông tin giúp lãnh đạo biết ngay lập tức những gì đã xảy ra để đưa ra phương hướng giải quyết càng sớm càng tốt. Qua hệ thống KPI, nhân viên và ban quản trị cảm nhận được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị thông qua công việc hàng ngày và nỗ lực để đạt được mục tiêu chiến lược.
Nội dung triển khai KPI bao gồm khởi động, giới thiệu dự án và khảo sát thực trạng; Thành lập Ban dự án và nhóm triển khai; Đào tạo cách thức xây dựng KPI; xây dựng bản đồ chiến lược và xác định các yếu tố thành công then chốt; Xây dựng KPI cấp Tổng công ty; Xác định và lựa chọn vị trí công việc để xây dựng điểm mô tả công việc làm cơ sở xây dựng KPI cấp cá nhân (10 vị trí); Xây dựng KPI cấp Phòng, Ban và Mô tả công việc chi tiết (10 vị trí); Thống nhất, hoàn thiện các mục tiêu và mô tả công việc; Thiết lập hệ thống dữ liệu, báo cáo, đánh giá; Đánh giá, điều chỉnh và cải tiến hệ thống; Tổng kết dự án.
Buổi đào tạo trực tuyến đã nhận rất nhiều câu hỏi các bạn sinh viên đặt ra và được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp một cách thỏa đáng.
Nguồn: tcvn.gov.vn