30/03/2023
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ngày 30/03/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”. Diễn giả chính của chương trình là TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Tham gia chương trình, về phía Tổng cục TCĐLCL có TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam; ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT); ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục; bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cùng đại diện một số đơn vị liên quan.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có PGS. TS Trần Thanh Giang – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đức Toàn – Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên trong Học viện cùng đông đảo sinh viên của Học viện.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Trần Thanh Giang khẳng định, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng của mọi quốc gia. Trong đó, năng suất chất lượng là yếu tố then chốt, bởi lẽ khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên, không bị hạn chế về số lượng như nguồn vốn, lao động. Thực tế cho thấy khoa học công nghệ có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Tại Việt Nam, chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu – nước mạnh – dân chủ – công bằng – văn minh. Vì vậy, việc áp dụng năng suất chất lượng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… luôn là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và tránh lạc hậu phía sau.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là trường Đảng, trường đại học được xây dựng thành trường trọng điểm của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Học viện có sứ mệnh đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.
Với sứ mệnh đó, Nhà trường luôn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Do đó, việc phối hợp tổ chức tọa đàm hôm nay chính là mong muốn cung cấp cho sinh viên nhận thức đầy đủ hơn về năng suất, chất lượng cũng như vận dụng kiến thức vào học tập, thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và rèn luyện của sinh viên.
Tiếp đó, tại chương trình, TS. Hà Minh Hiệp trình bày chuyên đề “Tư duy quản lý năng suất và đổi mới sáng tạo”. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ từ phía sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông Hiệp nhấn mạnh, sinh viên là đối tượng chính của buổi tọa đàm và mục đích của tọa đàm là đưa các thông tin, kiến thức, mang “tình yêu” đối với năng suất, chất lượng đến với sinh viên.
“Đích đến cuối cùng của chúng tôi là mong muốn các bạn sinh viên có được nhận thức về vấn đề năng suất chất lượng, giúp các bạn có thêm năng lực giúp công việc tốt hơn, nhiều kỹ năng hơn, thậm chí có thể trở thành những người định hướng cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức về vấn đề năng suất”.
Trong phần trình bày, ông Hiệp đã nêu về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 01 năm 2021. Đồng thời, ông cũng khái quát các vấn đề: Con đường năng suất trong tổ chức, doanh nghiệp; Vai trò của tiêu chuẩn trong sản xuất thông minh; Đổi mới sáng tạo ứng phó với sự thay đổi toàn cầu, hướng đến sự phát triển bền vững… nhằm mang đến những kiến thức cơ bản, cốt lõi giúp các bạn sinh viên tiếp thu dễ dàng hơn.
Cũng tại chương trình, ông Phạm Lê Cường đã có bài trình bày “Giới thiệu chương trình hỗ trợ cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền về hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo”. Trong đó nguyên tắc phối hợp là Tổng cục TCĐLCL hỗ trợ cung cấp nội dung, tài liệu, chuyên gia; Học viện/CLB chủ động tổ chức triển khai thực hiện thông qua các đầu mối chung.
Chương trình tọa đàm tiếp tục trở nên sôi động với phần hỏi đáp trực tiếp giữa sinh viên và các chuyên gia trong Tổng cục. Nhiều câu hỏi hay, thiết thực được các bạn sinh viên đưa ra như: Năng suất lao động của Việt Nam đang xếp ở vị trí nào trên thế giới? Mục tiêu của nước ta trong giai đoạn tới là gì? Cơ hội việc làm cho người làm truyền thông trong lĩnh vực năng suất là gì? Khi nào đề xuất một chuyên ngành riêng về nâng cao, áp dụng năng suất?… Tất cả câu hỏi đều được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, hợp lý, tạo sự hứng khởi về vấn đề năng suất, chất lượng.
Phát biểu đáp từ cuối chương trình, TS. Nguyễn Đức Toàn một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đối với sự phát triển sự thịnh vượng của quốc gia. Hiện tại, Học viện đã có kế hoạch triển khai chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sắp tới chuẩn bị các bước để thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Học viện, vì vậy, sự liên kết giữa Tổng cục TCĐLCL với Học viện sẽ ngày càng chặt chẽ, khăng khít hơn trong tương lai.
Nguồn: vietq.vn