Nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng cho sinh viên trong ‘kỷ nguyên vươn mình’ của dân tộc

25/02/2025

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nâng cao năng suất và chất lượng trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với mọi quốc gia. Tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức, kiến thức và áp dụng các phương pháp, công cụ về năng suất chất lượng từ sớm cho sinh viên – thế hệ lao động vàng của đất nước – là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Bài viết tập trung phân tích bối cảnh đối với vấn đề nhận thức về năng suất, nội dung hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất trong sinh viên thông qua Chương trình “Truyền thông về năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng”, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm lan tỏa chương trình.

1. Bối cảnh chung

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Chương trình đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông về NSCL và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến.

Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của hệ thống chính trị đối với vấn đề nâng cao năng suất lao động và năng suất quốc gia, bởi đây là con đường tất yếu hướng đến phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao năng suất lao động quốc gia như: khoa học công nghệ; môi trường kinh doanh; thể chế chính sách;… trong đó, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là yếu tố vô cùng quan trọng bởi suy cho cùng dù có áp dụng trí tuệ nhân tạo hay bất kỳ công nghệ tiên tiến nào chăng nữa thì nguồn nhân lực vẫn là yếu tố chủ đạo.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có một số cơ sở giáo dục như Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính và Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đang triển khai các chương trình đào tạo về NSCL. Trong khi đó, phần lớn các trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tiếp cận được nội dung này, dẫn đến việc sinh viên – nguồn nhân lực tiềm năng chưa hiểu rõ tầm quan trọng của NSCL.

Để thay đổi, cần đẩy mạnh truyền thông, tạo nhận thức cho sinh viên và giảng viên về giá trị của NSCL. Điều này giúp sinh viên sớm tiếp cận các khái niệm và hình thành tư duy năng suất từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, là bước khởi đầu để xây dựng thói quen phân tích, cải tiến và làm việc hiệu quả.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, năm 2024, Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan là Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện nhiệm vụ “Truyền thông về năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng”.

Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của sinh viên về NSCL tại một số trường đại học, cao đẳng trên cả nước và trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy cải tiến thông qua đào tạo về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, và TQM,… Từ đó, lan tỏa “tinh thần năng suất chất lượng” cho các thế hệ sinh viên sau này, là tiền đề xây dựng lực lượng lao động Việt Nam chất lượng và hiệu quả.

Chung kết cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về Năng suất chất lượng trong sinh viên” năm 2024.

2. Nội dung triển khai và những kết quả đạt được

2.1 Quá trình triển khai

Quá trình triển khai nhiệm vụ được chia thành 3 giai đoạn chính: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hiện, giai đoạn tổng kết và đánh giá, đảm bảo nhiệm vụ được thực hiện có hệ thống, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra.

2.1.1 Giai đoạn chuẩn bị (tháng 3/2024 – tháng 5/2024)

– Lập kế hoạch chi tiết: Xây dựng kế hoạch tổng thể cho nhiệm vụ, bao gồm các nội dung công việc, lịch trình thực hiện, ngân sách và phân bổ nguồn lực. Lập danh sách các trường đại học, cao đẳng dự kiến tham gia nhiệm vụ, phân bổ theo ba miền Bắc, Trung và Nam.

– Thành lập đội ngũ triển khai: Tuyển chọn và thành lập đội ngũ chuyên gia, cán bộ phụ trách các hoạt động như tổ chức tọa đàm, thành lập câu lạc bộ, xây dựng nội dung website, tổ chức hội thảo và cuộc thi. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân và đơn vị phối hợp.

– Xây dựng nội dung chuyên môn: Biên soạn tài liệu liên quan đến năng suất chất lượng, bao gồm kiến thức cơ bản (5S, Kaizen, Lean, ISO 9001) và các ví dụ thực tiễn để sử dụng trong các buổi tọa đàm, hội thảo và câu lạc bộ. Phát triển bộ câu hỏi và nội dung cho cuộc thi kiến thức về NSCL.

– Xây dựng website: Thiết kế và phát triển trang thông tin điện tử về NSCL, đảm bảo giao diện thân thiện với sinh viên và tích hợp các nội dung như tài liệu học tập, thông tin sự kiện và kênh tương tác trực tuyến.

2.1.2 Giai đoạn thực hiện (tháng 6/2024 – tháng 12/2024)

– Tổ chức 20 tọa đàm tại các trường đại học, cao đẳng: Tọa đàm được tổ chức tại 20 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, với sự tham gia của khoảng 200 người/buổi. Nội dung bao gồm tổng quan về NSCL, các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, Lean, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.

– Thành lập 15 câu lạc bộ NSCL: Tổ chức các buổi làm việc tại 15 trường đại học và cao đẳng để hướng dẫn thành lập câu lạc bộ NSCL. Hỗ trợ định hướng hoạt động, xây dựng nội dung sinh hoạt và tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về NSCL cho thành viên câu lạc bộ.

– Tổ chức một cuộc thi về kiến thức NSCL: Cuộc thi diễn ra theo hai vòng: Vòng loại – Tổ chức tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam để chọn ra 5 đội xuất sắc nhất từ mỗi khu vực; Vòng chung kết – Tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các đội vượt qua vòng loại. Cuộc thi tập trung kiểm tra kiến thức lý thuyết và khả năng ứng dụng NSCL vào thực tiễn.

– Tổ chức hai hội thảo chia sẻ kinh nghiệm: Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, quy tụ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và trường học. Nội dung tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm triển khai NSCL trong giáo dục và doanh nghiệp, thảo luận các cơ hội và thách thức khi áp dụng NSCL.

– Vận hành và quảng bá website: Cập nhật thường xuyên các bài viết, video, và hình ảnh về các hoạt động của nhiệm vụ. Đẩy mạnh quảng bá website thông qua các kênh truyền thông như mạng xã hội và email để thu hút sinh viên tham gia và truy cập.

2.1.3 Giai đoạn tổng kết và đánh giá (tháng 1/2025 – tháng 2/2025)

Tổng hợp và đánh giá kết quả: Thu thập dữ liệu và đánh giá kết quả từ tất cả hoạt động của nhiệm vụ, bao gồm số lượng người tham gia, hiệu quả truyền thông, mức độ nhận thức của sinh viên về NSCL trước và sau khi tham gia. Tổ chức các buổi họp nội bộ để rút kinh nghiệm và điều chỉnh mô hình cho phù hợp với các giai đoạn triển khai tiếp theo.

Nhìn chung, quá trình triển khai nhiệm vụ được thực hiện theo lộ trình rõ ràng và chặt chẽ. Nhiệm vụ không chỉ đảm bảo đạt được mục tiêu ban đầu mà còn tạo nền tảng để duy trì và mở rộng các mô hình truyền thông, giáo dục về NSCL trong sinh viên trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

2.2 Kết quả đạt được

Với những nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngay từ khi bắt đầu, cho đến nay, nhiệm vụ “Truyền thông về năng suất chất lượng trong sinh viên” đã đạt được nhiều kết quả cụ thể và giá trị, bao gồm:

2.2.1 Xây dựng Trang thông tin điện tử P4SV (Productivity for Students Vietnam)

Trang web P4sv.vn được xây dựng và đưa vào vận hành thành công, đóng vai trò là nền tảng giáo dục trực tuyến chuyên sâu về NSCL. Trang web cung cấp kho tài liệu phong phú với hơn 50 bài viết, video và nội dung số liên quan đến các khái niệm như 5S, Kaizen, Lean, TQM, PDCA, và ISO 9001,…

Đồng thời, trang web còn cập nhật thông tin về lịch trình các buổi tọa đàm, hội thảo, cuộc thi NSCL, tích hợp một diễn đàn trực tuyến kết nối sinh viên, giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực NSCL. Trong năm đầu tiên triển khai, trang web đã thu hút hơn 10.000 lượt truy cập mỗi tháng, chứng minh sự quan tâm lớn từ cộng đồng sinh viên.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng trong sinh viên” năm 2024 đã xây dựng được 01 fanpage mang tên Năng suất thế hệ trẻ. Trang Facebook “Năng suất thế hệ trẻ” là một nền tảng trực tuyến nhằm thúc đẩy nhận thức và ứng dụng các phương pháp nâng cao năng suất trong giới trẻ Việt Nam. Trang này hiện có khoảng hơn 3.000 lượt thích và 349 người đang thảo luận về các chủ đề liên quan đến năng suất và chất lượng. Với các hoạt động đa dạng và thiết thực, trang “Năng suất thế hệ trẻ” đã trở thành kênh thông tin hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy phong trào nâng cao năng suất trong cộng đồng sinh viên và giới trẻ Việt Nam.

2.2.2 Tổ chức 20 buổi tọa đàm về NSCL tại các trường đại học và cao đẳng

20 chương trình tọa đàm được tổ chức tại 20 trường đại học và cao đẳng trên cả nước với số người tiếp cận theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đạt con số trên 40.000 người. Cụ thể: Miền Bắc: Hoàn thành 8 tọa đàm, bao gồm các trường Đại học Hải Phòng, Đại học Hà Nội, Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc giang, Trường Đại học Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Miền Trung: Thực hiện 4 tọa đàm, bao gồm các trường Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Miền Nam: Thực hiện 8 tọa đàm, bao gồm các trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Ngân hàng TP. HCM, Đại học Bình Dương, Đại học Hùng Vương TP.HCM, Đại học Bạc Liêu, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2.

Các tọa đàm được thực hiện đều ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đảm bảo phạm vi phủ sóng toàn quốc, đồng thời phản ánh mức độ quan tâm cao đến NSCL tại mọi khu vực. Sự thành công 100% của 20 chương trình tọa đàm thể hiện sự quan tâm và đồng thuận mạnh mẽ từ các cơ sở giáo dục trong việc nâng cao nhận thức và thực hành NSCL, góp phần hỗ trợ mục tiêu chung về cải thiện chất lượng giáo dục quốc gia.

2.2.3 Thành lập 15 câu lạc bộ NSCL tại các trường đại học, cao đẳng

Việc thành lập 15 CLB NSCL là tạo ra một hệ sinh thái học tập năng động, khuyến khích sinh viên ứng dụng các công cụ cải tiến, nâng cao kỹ năng thực hành và đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua việc tăng cường nhận thức và khả năng ứng dụng NSCL.

Tính đến nay, 15 CLB NSCL trong các trường đại học, cao đẳng đã được thành lập bao gồm: CLB Năng suất chất lượng VNUF – Trường Đại học Lâm nghiệp; CLB Năng suất chất lượng – Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang; CLB cải tiến năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thực hành về NSCL trong học sinh, sinh viên – Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng; CLB Năng suất chất lượng sinh viên – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Câu lạc bộ Năng suất UPC – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; CLB Năng suất – Trường Đại học Bạc Liêu; CLB Năng suất chất lượng TDMU – Trường Đại học Thủ Dầu Một; CLB Nâng cao năng suất chất lượng học tập trong sinh viên – Trường Đại học Bình Dương; CLB năng suất Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2; CLB Nâng cao chất lượng – DcoHT – Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai; CLB Năng suất chất lượng Trường Đại học Đông Á; CLB Năng suất Chất lượng BMTU – Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột; CLB Khát vọng UPT – Trường Đại học Phan Thiết; CLB Chiến binh năng suất – Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng; CLB năng suất, chất lượng NTU – Trường Đại học Nha Trang.

2.2.4 Tổ chức 01 cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng trong sinh viên” năm 2024

Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng trong sinh viên năm 2024” là một phần quan trọng trong nhiệm vụ truyền thông và nâng cao nhận thức về NSCL cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Mục tiêu của cuộc thi là khuyến khích sinh viên tìm hiểu và áp dụng các phương pháp cải tiến NSCL trong học tập và công việc, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường lao động hiện đại.

Quy trình tổ chức cuộc thi được triển khai với các bước rõ ràng từ vòng sơ loại; vòng thi trực tiếp tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; vòng chung kết toàn quốc. Giải thưởng dành cho đội thắng cuộc là 1 chuyến đi giao lưu học tập tại Đại học Thanh Hoa – Đài Loan (Trung Quốc) cho 5 thành viên trong 5 ngày và số tiền thưởng 15.000.000 đồng cho toàn đội.

Cuộc thi đã thực sự tạo nên “làn sóng năng suất” trong sinh viên và thành công ngoài mong đợi. Những dự án của các em như: Áp dụng 5S trong trường học, ký túc xá; Sử dụng chat GPT làm trợ lý thủ tục hành chính cho sinh viên trong quá trình học tập;… cho thấy sức sáng tạo của thế hệ trẻ là tài sản vô giá của quốc gia. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào NSCL trong sinh viên, tạo tiền đề cho các chương trình tiếp theo trong tương lai.

2.2.5 Tổ chức 02 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về Năng suất chất lượng

Chương trình đã tổ chức thành công hai hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động năng suất chất lượng” đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/02/2025 và TP.Hồ Chí Minh vào ngày 24/02/2025. Các hội thảo này không chỉ nhằm mục đích truyền tải kiến thức thực tiễn về NSCL mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lĩnh vực này.

Cụ thể, hai hội thảo tập trung giới thiệu về NSCL bao gồm các nghiên cứu khoa học trong việc ứng dụng công cụ cơ bản như 5S, Kaizen, Lean, TQM (Quản lý chất lượng toàn diện) và các ứng dụng của các công cụ này trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, các chuyên gia đã chia sẻ các nghiên cứu trường hợp về việc áp dụng NSCL trong thực tiễn. Những nghiên cứu này không chỉ dựa trên các công cụ quản lý truyền thống mà còn tích hợp các công nghệ mới như chuyển đổi số và công nghệ AI, giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong quá trình sản xuất và dịch vụ…

Hai hội thảo thu hút trên 500 người tham gia, bao gồm các giảng viên, sinh viên, các doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Đây được đánh giá là cơ sở để duy trì sự lan tỏa của các nghiên cứu khoa học về NSCL trong cộng đồng doanh nghiệp và sinh viên.

2.3 Đánh giá kết quả, hiệu quả

2.3.1 Đánh giá về sự tham gia và nhận thức của sinh viên

Mục tiêu chính của nhiệm vụ là nâng cao nhận thức của sinh viên về năng suất chất lượng (NSCL). Kết quả cho thấy sự tham gia của sinh viên trong các hoạt động truyền thông, tọa đàm, hội thảo và các cuộc thi rất tích cực. Hàng chục nghìn sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã tiếp cận, tham gia các sự kiện và hoạt động liên quan đến NSCL, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của NSCL trong học tập và công việc. Các khảo sát trước và sau các sự kiện cho thấy nhận thức của sinh viên về NSCL đã tăng đáng kể, đặc biệt là về các phương pháp cải tiến như Lean, Kaizen, 5S, và các công cụ đo lường hiệu suất như KPI.

2.3.2 Đánh giá về sự ứng dụng của các công cụ NSCL trong học tập và công việc

Kết quả từ các dự án và cuộc thi về NSCL cho thấy sinh viên đã ứng dụng thành công các công cụ như Lean, Kaizen, và 5S vào học tập và công việc. Các dự án cải tiến năng suất trong học tập, nghiên cứu và công việc thực tế tại các câu lạc bộ NSCL đã giúp nâng cao chất lượng học tập và cải thiện quy trình làm việc của sinh viên.

Những công cụ này cũng đã được áp dụng để tối ưu hóa hiệu quả các dự án nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tế liên quan đến học tập, công việc nhóm và quy trình quản lý thời gian.

2.3.3 Đánh giá về hiệu quả truyền thông qua các nền tảng trực tuyến

Website và các kênh truyền thông trực tuyến (Facebook, Youtube, các fanpage) đã giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thông tin về NSCL, các hoạt động và sự kiện. Các nền tảng này đã thu hút được hàng nghìn lượt truy cập và tham gia từ sinh viên, giúp tạo ra một cộng đồng học tập rộng lớn về NSCL. Việc cập nhật và chia sẻ các tài liệu học tập, video hướng dẫn và thông tin các sự kiện cũng đã giúp sinh viên duy trì sự quan tâm lâu dài đối với các phương pháp cải tiến năng suất và chất lượng.

2.3.4 Đánh giá về sự duy trì và phát triển bền vững của mô hình

Kết quả từ các hoạt động truyền thông và câu lạc bộ NSCL cho thấy mô hình này có khả năng duy trì và phát triển bền vững. Các câu lạc bộ tiếp tục hoạt động và phát triển với sự tham gia ngày càng đông đảo của sinh viên. Ngoài ra, các hoạt động cũng đang được mở rộng sang các trường đại học và cao đẳng khác, giúp nhân rộng mô hình NSCL trong cộng đồng sinh viên trên toàn quốc.

3. Một số kiến nghị

Nhiệm vụ “Truyền thông về năng suất chất lượng cho sinh viên” không chỉ giúp nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của NSCL mà còn mang lại nhiều tác động tích cực, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, đối với quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp của sinh viên, cụ thể là giúp sinh viên phát triển kỹ năng cải tiến và tư duy sáng tạo; Cải thiện khả năng làm việc nhóm và lãnh đạo; Kỹ năng ứng dụng công nghệ vào NSCL; Tạo động lực học tập và nghiên cứu;… Tuy nhiên, để chương trình lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến các thế hệ sinh viên sau này, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

– Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong giảng dạy NSCL: Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn giáo dục tại Việt Nam.

– Tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ trong NSCL: Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data) nên được tích hợp vào các công cụ và phương pháp giảng dạy NSCL.

– Xây dựng các mô hình NSCL gắn liền với các ngành học: Các trường đại học, cao đẳng cần phát triển các mô hình NSCL ứng dụng cho các ngành học khác nhau, từ kinh tế, quản trị kinh doanh đến kỹ thuật và công nghệ.

– Tăng cường hợp tác giữa trường học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu: Để đảm bảo rằng sinh viên có thể áp dụng các phương pháp và công cụ NSCL trong thực tiễn công việc, cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

– Xây dựng nền tảng công nghệ cho giáo dục NSCL: Các trường cần phát triển và duy trì các nền tảng trực tuyến để cung cấp tài liệu, video, khóa học và các tài nguyên học tập về NSCL cho sinh viên.

– Khuyến khích nghiên cứu khoa học về NSCL trong sinh viên: Sinh viên cần được khuyến khích tham gia vào các nghiên cứu khoa học về NSCL để phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Kết luận: Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta nhất định phải đưa năng suất trở thành văn hóa quốc gia. Do đó, việc truyền thông và giáo dục về năng suất chất lượng cho sinh viên – thế hệ lao động vàng của đất nước – không chỉ giúp nâng cao năng lực của sinh viên mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.

Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về năng suất chất lượng, để tư duy về năng suất chất lượng hình thành trong mỗi sinh viên như “cơm ăn áo mặc” hàng ngày, biến tư duy thành hành động để xây dựng đội ngũ lao động Việt Nam sáng tạo, hiệu quả và vươn tầm quốc tế.

Phạm Lê Cường

Tin tức liên quan