Nhận diện, phân tích và giảm thiểu lãng phí trong sử dụng nguyên liệu với MFCA

19/09/2024

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ năng suất chất lượng trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, chiều ngày 18/9/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức buổi đào tạo với chuyên đề 8: “MFCA – Quản lý chi phí dòng nguyên liệu”.

Về phía Ủy ban, chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban, đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Về phía các trường đại học, cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bình Dương, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên, Đại học Thủ Dầu 1, Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc, Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Trình bày tại buổi đào tạo, ThS. Tạ Thị Phương Thảo – Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, MFCA là phương pháp quản lý giúp doanh nghiệp nhận diện, phân tích và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sử dụng nguyên liệu. Nó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chi phí ẩn liên quan đến lãng phí từ đó tối ưu hóa quy trình sản xuất.

“Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang quản lý một công ty sản xuất và phân phối chuối. Để 1 quả chuối đến tay người tiêu dùng phải đi qua 4 bước: Trồng và thu hoạch; vận chuyển; chế biến và đóng gói; phân phối và bán hàng; song song với đó là chi phí phân bón, cây trồng, công lao động, vận chuyển, đóng gói… Người ta sẽ tổng hợp tất cả chi phí này lên các quả chuối thành phẩm và coi các phụ phẩm trong quá trình sản xuất (như chuối dập hỏng, lá cây, thân chuối…) là chất thải và tổn phí mặc nhiên chấp nhận”, bà Thảo dẫn chứng..

Cũng theo bà Thảo, MFCA sẽ phân tích dòng chảy của tất cả vật liệu này. Mỗi tài nguyên được sử dụng trong quy trình trồng đều có thể chia thành: Dòng vật liệu hữu ích và dòng vật liệu lãng phí.

Để hiểu rõ hơn về cách MFCA có thể áp dụng trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và tiêu thụ chuối, bà Thảo đã đưa ra các bước của quá trình trồng và tiêu thụ chuối:

Trồng Chuối: Nguyên liệu đầu vào: Phân bón, nước, công sức lao động; Sản phẩm chính: Chuối chín; Lãng phí: Chuối hỏng, lá cây, thân cây bị cắt bỏ.

Thu hoạch và vận chuyển: Nguyên liệu đầu vào: Công lao động, phương tiện vận chuyển; Sản phẩm chính: Chuối đã thu hoạch và đóng gói; Lãng phí: Chuối bị dập nát trong quá trình vận chuyển.

Chế biến và đóng gói: Nguyên liệu đầu vào: Chuối, bao bì đóng gói; Sản phẩm chính: Sản phẩm chuối đã đóng gói; Lãng phí: Bao bì bị lỗi, chuối không đạt chất lượng.

Phân phối và bán hàng: Nguyên liệu đầu vào: Chuối đã đóng gói, nhiên liệu vận chuyển; Sản phẩm chính: Chuối bán cho người tiêu dùng; Lãng phí: Chuối không bán được, chuối bị hỏng trong quá trình bảo quản.

Như vậy, nhờ MFCA, chúng ta đã theo dõi và phân tích dòng chảy của nguyên liệu và phát hiện lãng phí trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất và tiêu thụ chuối. Từ đó tính toán chi phí nào tạo ra sản phẩm hữu ích, chi phí nào bị lãng phí. Sau đó, tìm ra phương án giảm chi phí, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

MFCA có 3 mục đích chính, đó là: Giảm chi phí sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng chất thải.

Bên cạnh đó, MFCA đem lại 4 nhóm lợi ích chính: Giảm lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất/Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao cạnh tranh.

Cụ thể, MFCA giúp xác định và giảm lãng phí nguyên vật liệu thông qua việc phân tích dòng vật liệu, chúng ta có thể thấy lượng nguyên vật liệu không được sử dụng hiệu quả, từ đó đề ra biện pháp cải thiện.

MFCA giúp bảo vệ môi trường thông qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, như là Giảm lượng chất thải- khí thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí xử lý mà còn cải thiện uy tín về trách nhiệm môi trường.

MFCA giúp nâng cao cạnh tranh thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất và loại bỏ các khâu không hiệu quả, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và ổn định hơn. Sản phẩm có chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn so với các đối thủ trên thị trường; MFCA giúp doanh nghiệp nhận diện chính xác các khoản chi phí ẩn và lãng phí trong quy trình sản xuất. Việc giảm thiểu lãng phí trực tiếp giúp giảm tổng chi phí, qua đó doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn, tạo lợi thế cạnh tranh;

MFCA giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững. Những cải tiến này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Để phân tích MFCA, trải qua 4 bước cơ bản đó là: Thu thập dữ liệu – Phân loại dòng nguyên liệu – Tính toán chi phí – Đề xuất cải tiến.

Bước đầu tiên là thu thập dữ liệu. Đây là bước quan trọng để đảm bảo rằng các thông tin đầu vào đầy đủ và chính xác nhằm phục vụ cho việc phân tích dòng chảy nguyên liệu và tính toán chi phí.

Bước thứ 2 là phân loại dòng nguyên liệu. Để phân loại dòng nguyên liệu khi phân tích MFCA, doanh nghiệp cần thực hiện các bước. Đầu tiên là xác định quy trình sản xuất và các nguyên liệu đầu vào, sau đó cần xem xét quá trình chuyển hóa nguyên liệu trong mỗi giai đoạn sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất trung gian đến khi ra sản phẩm cuối cùng để xác định rõ phần nguyên liệu nào được sử dụng để tạo ra sản phẩm và phần nào bị loại bỏ dưới dạng phế thải, sản phẩm hỏng, hoặc tổn thất lãng phí;

Bước thứ 3 là tính toán chi phí. Trong MFCA, chi phí được phân loại thành ba nhóm chính: Chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận hành sản xuất và chi phí xử lý lãng phí.

Bước thứ 4 là đề xuất cải tiến. Đề xuất cải tiến trong phân tích MFCA là quá trình đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, hệ thống trong quá trình sản xuất hoặc kinh doanh. Qua phân tích MFCA, doanh nghiệp có thể nhận diện nguồn lãng phí cụ thể và từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, tăng cường tính cạnh tranh.

Sau khi đề xuất cải tiến được thực hiện, doanh nghiệp cần giám sát kết quả và đánh giá hiệu quả của biện pháp. Điều này giúp xác định xem liệu lãng phí có được giảm thiểu và chi phí có được tối ưu hóa không.

Có thể thấy, MFCA giúp doanh nghiệp không chỉ nhìn vào những gì họ sản xuất mà còn chú ý đến những thứ họ mất đi trong quá trình đó, từ đó tối ưu hóa từng dòng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Nhưng điều đặc biệt là, phương pháp này không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp. Bất kể lĩnh vực, loại hình kinh tế- xã hội có thể áp dụng, thậm chí áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là trong học tập và sinh hoạt của các bạn sinh viên.

Buổi đào tạo “MFCA – Quản lý chi phí dòng nguyên liệu” là chuyên đề thứ 8 trong chuỗi 10 chuyên đề đào tạo về các công cụ cải tiến năng suất do các báo cáo viên của Ủy ban trình bày, lần lượt bao gồm:

“Tổng quan về năng suất”

5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng;

TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu;

7 lãng phí – Nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả;

Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục;

QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng;

TPM – Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị;

MFCA – Tổng quan về MFCA: Phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu;

Lean: Tư duy giảm thiểu lãng phí (Lean) để tăng năng suất;

KPI: Áp dụng KPI trong thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức.

Nguồn: vietq.vn

Tin tức liên quan