Sinh viên hào hứng tham gia chuyên đề đào tạo trực tuyến ‘Tổng quan về năng suất’

23/08/2024

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ năng suất chất lượng trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, ngày 23/8/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức buổi đào tạo với chuyên đề 1 “Tổng quan về năng suất”. Ths. Nguyễn Hải Ninh – Bí thư Ban chấp hành Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là báo cáo viên của chương trình.

Về phía Ủy ban, chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Về phía các trường đại học và cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết; Đại học Nha Trang; Đại học Trà Vinh; Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Bình Dương; Đại học Lâm Nghiệp; Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên; Đại học Thủ Dầu 1; Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang; Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc; Cao đẳng Miền núi Bắc Giang; Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh; Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia giải đáp các thắc mắc của sinh viên.
Bà Trần Hải Ninh (ngoài cùng bên phải) trình bày chuyên đề “Tổng quan về năng suất”. 

Trình bày tại buổi đào tạo, bà Hải Ninh đã đưa ra 3 nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề năng suất, gồm: Lịch sử khái niệm năng suất; Các yếu tố quyết định đến năng suất; Giới thiệu các công cụ và sáng kiến cải tiến năng suất.

Bà Hải Ninh cho biết, theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năng suất là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, trong một khoảng thời gian nhất định. Hay nói một cách đơn giản, “năng suất chính là tối ưu hóa đầu ra và tối thiểu hóa đầu vào”, bà Ninh nói.

Bên cạnh các yếu tố bên ngoài bao gồm chính sách của chính phủ, thể chế, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường kinh doanh,… tác động tới năng suất và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, nhưng bản thân các doanh nghiệp không kiểm soát được những yếu tố này thì các yếu tố bên trong là các yếu tố thuộc tầm kiểm soát của doanh nghiệp, cụ thể đó là 4M1E1I, trong đó, 4M gồm: Man – con người; Method – phương pháp; Material – vật liệu; Machine – máy , 1E là Environment – môi trường và 1I là Information – thông tin.

Phân tích rõ các yếu tố quyết định đến năng suất, bà Hải Ninh cho hay: Con người gồm các yếu tố về khả năng, kỹ năng, trình độ, ý thức, thái độ làm việc, tư duy cải tiến, mức độ đào tạo, huấn luyện, sức khỏe và an toàn lao động; Phương pháp gồm các yếu tố về quy trình, kỹ thuật sản xuất, cách thức thực hiện công việc, cải tiến và đổi mới phương pháp, loại trừ lãng phí; Vật liệu gồm các yếu tố về chất lượng nguyên vật liệu; nguồn gốc và xuất xứ nguyên vật liệu, kiểm tra và đánh giá chất lượng nguyên vật liệu;

Thảo luận trực tuyến giữa chuyên gia, báo cáo viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Máy móc gồm các yếu tố về tình trạng, độ chính xác và hiệu quả của máy móc, mức độ tự động hóa, công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc; Môi trường gồm các yếu tố về môi trường làm việc, các yếu tố an toàn và bảo vệ môi trường, thể chế, bền vững, xây dựng phong trào năng suất; Thông tin cũng là một trong những yếu tố then chốt, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, đặc biệt là vai trò của thông tin truyền thông và thông tin trong phân tích, xử lý dữ liệu. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất và cũng là yếu tố dễ tiếp cận nhất thông qua học tập và đào tạo.

Phần tiếp theo của chương trình nhận được sự quan tâm, hào hứng của sinh viên tại các điểm trường đó là thảo luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra và nhận được câu trả lời xác đáng từ phía chuyên gia và báo cáo viên của Ủy ban, tạo nên không khí hào hứng và sôi nổi.

Có thể nói, sự thành công của buổi đào tạo hôm nay là tiền đề quan trọng cho các chuyên đề tiếp theo. Từ đó, mang đến cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước kiến thức nền tảng về năng suất chất lượng, đồng thời hướng đến mục tiêu cao hơn là nâng cao tư duy về năng suất chất lượng và biến tư duy thành hành động.

Buổi đào tạo “Tổng quan về năng suất” là chuyên đề đầu tiên trong chuỗi 10 chuyên đề đào tạo về các công cụ cải tiến năng suất do các báo cáo viên của Ủy ban trình bày, lần lượt bao gồm:

5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng;

TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu;

7 lãng phí – Nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả;

Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục;

QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng;

TPM – Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị;

MFCA – Tổng quan về MFCA: Phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu;

Lean: Tư duy giảm thiểu lãng phí (Lean) để tăng năng suất;

KPI: Áp dụng KPI trong thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức.

Nguồn: vietq.vn

Tin tức liên quan