Hành trình đưa Tư duy Năng suất – khởi nguồn của Đổi mới sáng tạo tới sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

13/06/2024

Chiều ngày 11/6/2024, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tổ chức thành công Tọa đàm “Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng” với sự tham gia của các diễn giả từ Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Năng suất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế, là một trong những thước đo tăng trưởng của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Năng suất cũng là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh, ở cả cấp độ tổ chức và quốc gia, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững. Chính vì thế, việc xây dựng tư duy về năng suất giúp mỗi cá nhân có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến lãng phí và mang tới những giải pháp hiệu quả trong công việc. 

Chia sẻ tại toạ đàm, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng năng suất không chỉ là yếu tố sống còn, hơn thế nữa còn cần phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Trên con đường năng suất trong tổ chức, doanh nghiệp cần làm chủ, tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo. Việc giảng dạy, đào tạo về năng suất ngay ở cấp độ Đại học sẽ giúp sinh viên hình thành tư duy năng suất. Tư duy năng suất là yếu tố tiên quyết giúp cho mỗi cá nhân có thể nâng cao hiệu quả trong mọi hoạt động. 

TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chia sẻ về tư duy năng suất tại chương trình

Để có được tư duy năng suất, mỗi cá nhân cần có sự hiểu biết về 4 động cơ thúc đẩy năng suất, bao gồm: Tập hợp (Engagement), khai sáng (Enlightment), kiến tạo (Enginerring) và tiến hoá (Evolution). Tuy nhiên, cải thiện năng suất là một quá trình kéo dài qua 6 bước chuyển dịch về tư duy: đầu tiên là tư duy đổi mới sáng tạo, tiến tới tư duy về chuyển đổi số; quản trị tinh gọn, quản lý hệ thống, văn hoá tối ưu nguồn lực và cuối cùng là văn hoá cải tiến. 

Phát huy tư duy năng suất là mục tiêu dài hạn mà Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng đến và mong muốn lan toả tư duy này đến với sinh viên các trường đại học trên cả nước. Trao đổi tại buổi làm việc, ThS. Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết trong năm 2023, Tổng Cục đã thực hiện 15 buổi toạ đàm tại 15 trường Đại học – chia sẻ tới hơn 3.500 sinh viên. Thông qua các ứng dụng trực tuyến, hơn 6.500 sinh viên cũng được phổ biến những kiến thức về năng suất – chất lượng. “Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2024 là tổ chức thêm 20 buổi toạ đàm tại các trường Đại học trên cả nước và hỗ trợ thành lập 15 câu lạc bộ sinh viên về năng suất. Việc đưa năng suất chất lượng vào hệ thống giáo dục các trường đại học, cao đẳng được xem như bước đệm về nhận thức cho những lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai” – ThS. Phạm Lê Cường cho biết. 

ThS. Phạm Lê Cường, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bày tỏ mong muốn lan toả tư duy năng suất đến sinh viên các trường đại học

Qua buổi tọa đàm, sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích xoay quanh các vấn đề liên quan đến năng suất chất lượng. 

Các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đặt câu hỏi,  đưa ra ý kiến thảo luận về các vấn đề liên quan

Trong khuôn khổ tọa đàm, ThS. Phạm Lê Cường cũng chia sẻ những nội dung bổ ích và thiết thực liên quan đến chương trình hỗ trợ Nhà trường thông qua mô hình câu lạc bộ (CLB) về năng suất cho sinh viên với 5 nội dung: phổ biến các nội dung về năng suất và đổi mới sáng tạo; đào tạo chuyên gia năng suất cho giảng viên, sinh viên; cung cấp các khóa đào tạo của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) cho CLB; hướng dẫn sinh viên thực hành năng suất; hướng dẫn sinh viên tổ chức cuộc thi tìm hiểu năng suất. 

Trong năm 2024, Tổng Cục Đo lường cũng hướng tới việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về năng suất cho 20 Câu lạc bộ Năng suất của 20 trường đại học trên địa bàn cả nước. Mục đích của cuộc thi là khuyến khích các bạn sinh viên nghiên cứu sâu rộng hơn về năng suất và chất lượng. Từ đó, tư duy về cải thiện năng suất sẽ được xây dựng và bồi dưỡng. Trong tương lai, những sinh viên tốt nghiệp với tư duy về năng suất – chất lượng sẽ góp phần giúp hiệu quả hoạt động của các cá nhân nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung được nâng cao, góp phần giúp giải quyết bài toán về năng suất của thị trường lao động, tạo tiền đề để Việt Nam vươn lên trong khu vực và quốc tế.

PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tặng hoa chúc mừng thành công của buổi Toạ đàm

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi toạ đàm “Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường Đại học, cao đẳng”: 

Nguồn: ueb.edu.vn

Tin tức liên quan